Chất lượng của một công trình/dự án đã trở thành một điểm nóng đang được đặt ra đòi hỏi sự quan tâm của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công,…cùng các bên/cá nhân liên quan.

Với hàng loạt các tai nạn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình xảy ra trong thời gian gần đây cùng với các dự án/công trình bị sụt lún, xuống cấp, nứt, đổ, vỡ,…đã gây những thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn có sự mất mát, thương tích về người. Chất lượng của một công trình/dự án đã trở thành một điểm nóng đang được đặt ra đòi hỏi sự quan tâm của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công,…cùng các bên/cá nhân liên quan.

Sẽ là thiếu sót hay giải quyết không triệt để vấn đề quản lý chất lượng công trình nếu chỉ quản lý khâu thi công xây dựng. Chất lượng công trình được đảm bảo nếu thiết kế đảm bảo trên nền tảng khảo sát thực địa xây dựng, thi công công trình phải đúng. Vì nếu khảo sát thực địa sai thì thiết kế chắc chắn sẽ sai và quản lý thi công có tốt đến mấy, khi thiết kế sai thì chất lượng công trình chắc chắn sẽ không được đảm bảo. Ví như khảo sát thực địa là nền đất cứng nhưng thực tế nền đất xây dựng móng công trình lại dễ sụt lún thì việc thiết kế nền móng cho nền đất cứng khác hoàn toàn với việc thiết kế nền móng công trình khi xây dựng trên nền đất dễ sụt lún. Nếu phát hiện sớm thì có thể thay đổi thiết kế và thi công lại nhưng sẽ tốn thời gian và làm tăng chi phí, nhưng nếu phát hiện muộn, khi công trình đang xây dựng hoặc đã hoàn thành thì xảy ra hiện tượng sụt, lún, nứt, sập,…do nền móng yếu, không đủ vững để chịu được trọng tải thiết kế công trình bên trên. Điều này sẽ gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng do sai lầm không được phát hiện và khắc phục kịp thời. Do đó, để đảm bảo một công trình có chất lượng thì khâu quản lý chất lượng phải được làm tốt và đảm bảo chất lượng ngay từ những bước đầu tiên hình thành dự án/công trình như khảo sát thực địa và thiết kế thi công chứ không đợi đến lúc mọi việc đã rồi, có bệnh rồi mới tìm cách chữa bệnh và sẽ gây tổn thất chi phí thời gian, nhân tài vật lực cũng như giảm hiệu qủa đầu tư dự án/công trình.

Một số lưu ý trong công tác quản lý chất lượng quá trình khảo sát xây dựng

–         Chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng kể cả trong trường hợp khảo sát bổ sung theo đề nghị của các nhà thầu thiết kế, khảo sát xây dựng, thi công xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

–         Chủ đầu tư phải phê duyệt phương án kĩ thuật khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát xây dựng lập kể cả trong các trường hợp bổ sung nhiệm vụ khảo sát. Phương án kĩ thuật khảo sát phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt và tuân thủ các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng.

–         Trong quá trình khảo sát xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện giám sát khảo sát xây dựng một cách thường xuyên, có hệ thống từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành công việc. Chủ đầu tư phải cử người có chuyên môn phù hợp, đủ trình độ, kĩ năng, kinh nghiệm để thực hiện giám sát công tác này.

–         Bên cạnh việc chủ đầu tư chủ động giám sát thì đồng thời chủ đầu tư cũng phải yêu cầu nhà thầu khảo sát phải cử người có chuyên môn, năng lực để giám sát công tác khảo sát xây dựng.

–         Công việc cuối cùng, chủ đầu tư phải căn cứ vào hợp đồng khảo sát xây dựng, nhiệm vụ và phương án kĩ thuật khảo sát xây dựng đã được chủ đầu tư phê duyệt;…

Một số lưu ý trong hoạt động quản lý chất lượng khâu thiết kế thi công:

–         Chủ đầu tư tự lập hoặc thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình đối với công trình  phải lập dự án đầu tư xây dựng và báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng theo quy định của Luật Xây Dựng tại đỉểm b, khỏan 2, Điều 57.

–         Chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra nội dung thiết kế, tổ chức thẩm định, thẩm tra và phê duyệt chất lượng thiết kế công trình và phải tiến hành nghiệm thu hồ sơ thiết kế sau khi được phê duyệt và trong một số trường hợp đặc biệt thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm điều chỉnh thiết kế để phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế.

Trên đây là một số lưu ý để giúp công trình xây dựng được đảm bảo chất lượng. Có thể thấy rằng, quản lý chất lượng công trình là một hoạt động vô cùng quan trọng và sẽ là sai sót nếu chỉ quản lý chất lượng thi công công trình mà không chú tâm quản lý tốt những bước đầu tiên hình thành dự án/công trình.

Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích và làm rõ hơn công tác quản lý chất lượng trong giai đoạn tổ chức thi công công trình bao gồm cả mua sắm nguyên vật liệu, thiết bị lắp đặt,…

Tin iBom

(Tham khảo Giáo trình Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình của Viện nghiên cứu Giáo Dục và Hợp tác Quốc tế)

Đánh giá bài viết