Nếu như trước đây, người ta thường hay quen với hình ảnh báo giấy, nghe đài phát thanh thì nay báo điện tử, truyền hình số chiếm phổ biến; nếu như trước đây người nông dân một nắng hai sương, làm nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên thì hiện nay các yếu tố thời tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng đã có thể điều chỉnh như mong muốn; nếu như trước đây bệnh nhân phải đăng ký, xếp hàng, chen lấn nhau để được thăm, khám chữa bệnh thì hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm phòng chống, hậu dịch Covid-19 thì việc hội chẩn, khám, chữa bệnh dần chuyển sang hình thức trực tuyến; nếu phương thức sản xuất của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba với đặc trưng là máy móc thay thế lao động chân tay thì với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặc trưng là máy móc thay thế lao động trí óc, thay thế con người trong việc phân tích, tư duy, ra quyết định. Tất cả các ví dụ trực quan nêu trên cho thấy sự chuyển biến lớn trong tư tưởng, nhận thức, trong chủ trương cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số để thay đổi kết quả, gọi chung là việc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển
đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức,
thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.Chuyển đổi số diễn ra ở 3 cấp độ, đó là: số hóa (chuyển dữ liệu sang dạng số); ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số (để đơn giản hóa, tối ưu hóa, tăng hiệu quả của các hoạt động); chuyển đổi số (Quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới).
Chuyển đổi số thể hiện qua 5 bước, đó là: Bước 1: Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số, đặc biệt người đứng đầu để từ đó truyền nhận thức, thay đổi tư duy và khát vọng tới các thành viên. Bước 2: Xây dựng được chiến lược và lộ trình chuyển đổi số. Xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần đến để định rõ mục tiêu, xây dựng lộ trình với các giai đoạn hợp lý và kế hoạch thực hiện từng giai đoạn với nội dung cụ thể. Bước 3: Xây dựng năng lực số, gồm hạ tầng thiết bị và dữ liệu, đào tạo nhân lực số, xây dựng văn hoá đổi mới trong tổ chức với mô hình hoạt động mới. Bước 4: Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi. Bước 5: Thực hiện chuyển đổi toàn diện với kết quả. Chuyển đổi số là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm: Ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ cũng đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đối với thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2030: Hoàn thành xây dựng đô thị Đà Nẵng thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới các đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận định 01/3 Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; phát triển hạ tầng số, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng số, đẩy mạnh công tác nghiên cứu công nghệ số mới;
phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phát triển Đà Nẵng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ cao khác để trở thành thành phố thông minh.

Nghị quyết số 05-NQ-TU của Thành ủy Đà Nẵng xem chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, tích cực, chủ động, kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo; mục tiêu chung đưa Đà Nẵng thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước; chuyển đổi số là nền tảng để triển khai Đề án thành phố thông minh.

Đối với ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ- BXD ngày 31/7/2020 về chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020-2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành xây dựng; ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch và quản
lý xây dựng; ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận
hành đô thị thông minh, doanh nghiệp số.

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch số 1475/KH- SXD ngày 14/3/2022 về chuyển đổi số ngành xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành xây dựng và phần mềm Quản lý Nhà nước chuyên ngành có API chia sẻ dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung thành phố và các ứng dụng khác; vận hành và khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát và điều khiển điện chiếu sáng công cộng thành phố thông qua các cảm biến IoT; thành lập và vận hành Trung tâm thông tin quy hoạch thành phố Đà Nẵng; hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu không gian đô thị và quy hoạch thành phố Đà Nẵng trên hệ thống GIS nhằm ung cấp thông tin không gian đô thị và quy hoạch tại thành phố Đà Nẵng đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp một cách trực tuyến thông qua ứng dụng web và ứng dụng trên thiết bị di động thông minh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu năng lực hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh ứng dụng mô hình hệ thống thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng theo lộ trình của Bộ Xây dựng; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ công trình, nhà ở, quy hoạch, cây xanh, điện chiếu sáng, cấp thoát nước trên nền tảng GIS thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh; cung cấp dịch vụ hành chính công lĩnh vực xây dựng trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và 100% kết quả thủ tục hành chính được ký số; thực hiện dự án quản lý việc giải quyết kiến nghị cử tri thành phố, triển khai kết luận của HĐND thành phố và các kiến nghị khác; ứng dụng hệ thống NAS Synology để lưu trữ, chia sẽ dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi làm việc trên môi trường mạng; số hóa hồ sơ đầu vào, đầu ra các thủ tục hành chính của Sở…

Việc chuyển đổi số phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố chính, thứ nhất: nhận thức (đặc biệt nhận thức, tư duy đổi mới của người đứng đầu); thứ hai: hạ tầng số, nguồn lực số sẵn sàng trong việc chuyển đổi số; thứ ba: công nghệ số. Chuyển đổi số bắt đầu từ giải quyết những bất cập, làm những bài toán khó lâu nay không làm được qua áp dụng công nghệ số; tối ưu những cái không đem lại lợi ích; làm cái người dân, doanh nghiệp cần, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; về nguồn lực: Trước mắt dựa vào hạ tầng, nhân lực, dữ liệu hiện có tiến tới huy động, phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.

Việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, chuyển đổi số đối với ngành Xây dựng nói riêng đang và sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai, mang lại những cơ hội khổng lồ nếu biết tận dụng, góp phần sự phát triển bền vững của ngành, góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng thông minh. Để đảm bảo chuyển đổi số ngành Xây dựng thành công rất cần có sự tham gia, đồng hành và triển khai đồng bộ của chủ thể quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố vì sự phát triển chung của ngành và của thành phố.

                                                                                                                                                                                                           Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng

Đánh giá bài viết

Bài viết cùng chủ đề: