TÓM TẮT

Phát triển đô thị theo hướng thành phố thông minh là lựa chọn tất yếu cho các đô thị tại Lâm Đồng để hướng đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững.Từ năm 2018, Lâm Đồng đã triển khai phát triển đô thị thông minh. Tại Thành phố Đà Lạt, triển khai trên 09 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường. Tại các đô thị còn lại triển khai trên 04 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, y tế và giáo dục.Qua quá trình triển khai thực hiện, tồn tại một số hạn chế bao gồm: về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, về hình thành hạ tầng dữ liệu, về liên kết vùng, về nhân lực và nguồn vốn thực hiện.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả về phát triển đô thị thông minh, hội thảo cần tập trung thảo luận các nội dung sau:

– Kinh nghiệm, xu hướng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và thế giới; thách thức, cơ hội phát triển đô thị thông minh tại Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh trong cả nước nói chung.

– Yếu tố con người trong đô thị thông minh.

– Các giải pháp phát triển đô thị thông minh tại các địa phương.

 

1. Thực trạng phát triển đô thị thông minh tại tỉnh Lâm Đồng

Đô thị hóa là quá trình tất yếu khách quan và là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Theo định hướng tại Nghị quyết 01 Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 thì đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Lâm Đồng khoảng gần 60%. Với định hướng đó, dân số thành thị tăng cao sẽ tạo ra các áp lực về HTKT và HTXH (giao thông, năng lượng, môi trường, y tế, giáo dục, thực phẩm, nước sạch….), vì vậy, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 01 Đảng bộ tỉnh đồng thời tạo dựng được môi trường sống thoải mái, tích cực,lành mạnh và an toàn cho cư dân đô thị thì phát triển đô thị thông minh là lựa chọn thiết thực cho các đô thị tỉnh Lâm Đồng cũng như tất cả các đô thị trên toàn quốc.Ngoài ra phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Tại tỉnh Lâm Đồng, phát triển đô thị thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế- xã hội trong những năm vừa qua. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018- 2025” tại Quyết định 1365/QĐ-UBND ngày 05/7/2018. Mục tiêu của Đề án là xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; đến năm 2025, thành phố Đà Lạt cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam. Đề án tập trung trên 09 lĩnh vực, bao gồm: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh,thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đang xem xét phê duyệt chủ trương lập Đề án phát triển thành phố Bảo Lộc thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025. Tại các đô thị còn lại, phát triển đô thị thông minh đang được triển khai thực hiện trên các một số lĩnh vực bao gồm: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, y tế và giáo dục.

Quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Lâm Đồng đã đạt được số kết quả nổi bật, cụ thể như sau:

Về Chính quyền điện tử

– Ứng dụng CNTT:

100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao.100% các phòng, ban và UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng đồng bộ các ứng dụng CNTT như: thư điện tử công vụ, chứng thư số, hệ thống văn phòng điện tử …, đã kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử qua trục kết nối liên thông của tỉnh.

Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai đến 100% các phòng, ban và UBND cấp xã, phường. 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua hệ thống một cửa điện tử.

Về Quy hoạch đô thị

Cổng thông tin công bố quy hoạch thành phố Đà Lạt tại địa chỉ http://quyhoach.dalatcity.org; http://quyhoach.dalat.vn và phần mềm trên thiết bị di động “Thông tin quy hoạch Đà Lạt” đã có dữ liệu 16 phường, xã. Công bố thông tin dữ liệu các lĩnh vực như: quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất… trên nền tảng GIS. Ngoài ra trên Cổng còn cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án về chỉnh trang đô thị như: xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực…

Việc công khai các thông tin góp phần xây dựng thành phố minh bạch.Số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh, được công bố công khai và được cập nhật thường xuyên trên hệ thống thông tin của Bộ Xây dựng. Theo đó cá nhân và tổ chức có thể tra cứu dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Lâm Đồng tại website http://batdongsan.xaydung.gov.vn/TraCuu.aspx.

Về nông nghiệp

Các giải pháp IoT ứng dụng trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh và Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp:

Diện tích canh tác cây trồng có áp dụng ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng trong canh tác 376,6 ha (trong đó:

cây rau 173,8 ha; cây hoa 187,2 ha, 5,5 ha dâu tây 10 ha trên cây chè). Việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố khí hậu, môi trường, dinh dưỡng cây trồng…

Ứng dụng công nghệ GIS trong việc cập nhật thông tin về quản lý sâu bệnh hại trên toàn tỉnh. Sử dụng phần mềm GIS trong dự báo sâu bệnh hại trong sản xuất công nghệ cao trên rau, hoa, cà phê, chè, lúa định kỳ hàng tuần. Đặc biệt thành phố Đà Lạt đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và dự báo dịch hại trên cây dâu tây”, đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu và bản đồ về vùng sản xuất, tình trạng sâu bệnh hại, thực trạng sản xuất cụ thể đến từng trang trại sản xuất dâu tây trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Về du lịch

– Cổng thông tin du lịch (https://dalatcity.orghttp://dalat.vn) và phần mềm ứng dụng (Dalat City). Đến nay đã cập nhật được 1.284 cơ sở lưu trú, 778 cơ sở ăn uống, 107 địa điểm du lịch, 85 địa điểm mua sắm, 506 điểm giải trí và 523 địa điểm tiện ích công cộng (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe,…) và các thông tin về tỷ giá, thời tiết … qua đó du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet,

– Thành phố Wifi lắp đặt đưa vào sử dụng tại: Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh, Quảng trường Lâm Viên, Chợ đêm, vòng quanh Khu Hoà Bình, Khu dốc Hoà Bình (đường Lê Đại Hành), Vườn hoa Thành Phố, Bến xe Liên tỉnh, Bến xe Thành Bưởi, Siêu thị Big C, Cà phê Mê Linh…, với năng lực phục vụ lên đến 50,000 lượt truy cập wifi mỗi ngày.

Về thành phố an toàn

Trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã tham mưu triển khai lắp đặt 1.115 camera an ninh tại các khu vực, tuyến đường trọng yếu tại địa bàn các phường, xã phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, điều hành, xử lý vi phạm giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Về Giáo dục

Cổng thông tin điện tử giáo dục hỗ trợ điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có thể phân tích chất lượng giáo dục, phân tích tổng hợp dữ liệu thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành một cách nhanh chóng…

Năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm học trực tuyến Microsoft Teams cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác giảng dạy. hiện nay ngành giáo dục của tỉnh đang hoàn thiện chuyển đổi Hệ thống quản lý trường học online phiên bản 3.0 lên vnEdu 4.0 dựa trên chuẩn cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về Y tế

– Hiện tại 100% các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành Y tế đã triển khai và duy trì phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS tích hợp liên thông cổng dữ liệu thanh toán BHYT. Đến nay, hơn 80% người dân trên địa bàn tỉnh đã được tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử và 100% trẻ em sinh ra được tạo lập ngay Hồ sơ sức khỏe

Đối với hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn, từ năm 2020 ngành Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện áp dụng nền tảng duy nhất

Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn tỷ lệ đạt 100% (142/142 trạm y tế).

Triển khai và duy trì hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia, đảm bảo tất cả người dân trên địa bàn tỉnh tham gia tiêm chủng được cập nhật thông tin đầy đủ và liên thông dữ liệu khai báo y tế, hoàn thiện quy trình thực hiện và thống nhất sử dụng một phần mềm duy nhất phục vụ công tác phòng chống dịch.

Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh IOC:

Trên địa bàn tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành 02 trung tâm IOC: Trung tâm IOC thành phố Đà Lạt và trung tâm IOC huyện Lạc Dương với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn huyện/thành phố. Với khả năng giám sát và quản lý từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống, như các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội, giám sát trực quan trên bản đồ số, tình hình chất lượng dịch vụ y tế, việc xử lý phản ánh về bất cập đô thị, camera trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình thực hiện văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công…

Trung tâm hiện tại đã được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch, trong đó có nhiều hệ thống đang cung cấp dữ liệu thời gian thực tại trung tâm, giám sát và điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê; hiệu quả hoạt động của chính quyền và độ hài lòng của người dân; an ninh trật tự công cộng; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, quản lý sử dụng đất đai; tương tác, giao tiếp phục vụ công dân.

 

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh đó, quá trình phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế như sau:

Một là: đang tập trung nhiều cho dịch vụ ĐTTM, tuy nhiên về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông,..) chưa tương xứng.

Hai là: việc hình thành hạ tầng dữ liệu còn nhiều hạn chế, chưa có chiến lược dữ liệu, chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất.

Ba là: Khi triển khai mới chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị, chưa tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ công tác quy hoạch liên kết vùng, khu vực.

Bốn là: nguồn lực công nghệ thông tin của các sở, ban ngành và các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương

Năm là: Nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng thông minh còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn là vốn NSNN, nguy cơ không đủ nguồn lực để duy trì và phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.

 

3. Một số kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phát triển đô thị thông minh tại địa phương

Một là: Cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp. Việc xây dựng ĐTTM cũng chính là quá trình chuyển đổi số trong đô thị.

Hai là: Vai trò trung tâm của người dân trong quá trình xây dựng ĐTTM người dân vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa phù hợp.

Ba là: Phát triển ĐTTM phải được bắt đầu từ khâu quy hoạch theo tinh thần Đề án 950. Quyết tâm xây dựng ĐTTM, phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình đề án dự án phát triển đô thị

Bốn là: ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả. Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Năm là: Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội khác.m

Qua những nội dung như đã phân tích nêu trên, việc nghiên cứu lựa chọn các mô hình đô thị thông minh áp dụng phù hợp với từng loại đô thị cụ thể song song với xây dựng và hoàn thiện một chiến lược lộ trình phát triển hợp lý là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, để quá trình phát triển đô thị thông minh trở thành lợi thế phát triển các đô thị tỉnh Lâm Đồng, tăng cường năng lực cạnh tranh, đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận và làm rõ các vấn đề sau:

– Kinh nghiệm, xu hướng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và thế giới; thách thức có hội phát triển đô thị thông minh tại Lâm Đồng nói riêng, các địa phương trong cả nước nói chung.

– Yếu tố con người trong đô thị thông minh

– Các giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước.

KSXD. Nguyễn Dũng

 Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng

Chủ tịch Hội Xây Lâm Đồng

Đánh giá bài viết