1. Blockchain là gì?
1.1. Blockchain là gì?
Trong khoảng thời gian gần đây, chúng ta thường nghe thấy cụm từ “blockchain” xuất hiện và được nhắc đến ngày một nhiều hơn. Vậy đó là gì và tại sao nó lại được quan tâm nhiều như vậy?
Theo Don & Alex Tapscott, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) được định nghĩa trong cuốn sách Blockchain Revolution (2016) như sau: “Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số không thể bị phá hỏng của các giao dịch kinh tế, có thể được lập trình để ghi lại không chỉ những giao dịch tài chính mà có thể ghi lại tất cả mọi thứ có giá trị”.

Theo một định nghĩa khác trên Wikipedia, blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian để tạo thành một chuỗi (chain). Mỗi khối sẽ chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối đó và được liên kết với khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.

Công nghệ Blockchain là gì – Cấu trúc của một Blockchain

Hiểu theo cách khác, Blockchain có thể được xem là một cuốn sổ cái điện tử được lưu trên nhiều máy tính các thông tin giao dịch. Mọi thông tin được lưu trên cuốn sổ cái đó sẽ được xác nhận bởi hàng loạt máy tính được kết nối trong một mạng lưới chung. Sẽ không một cỗ máy nào có khả năng thay đổi, viết đè lên
hay xóa dữ liệu trong cuốn sổ cái đó.

Khác với cơ chế lưu trữ thông tin hiện nay đang sử dụng là Server tập trung, thì blockchain lưu trữ thông tin phân tán trên một mạng lưới có liên kết với nhau.

Tập trung,phi tập trung và phân tán

1.2. Sự ra đời của blockchain
Thực tế rất khó để xác định rõ ràng Blockchain chính thức ra đời như thế nào. Nhưng theo tạp chí Fortune, từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước,
các nhà sáng chế đã nhận thấy các vấn đề về bảo mật và an ninh trên mạng internet hiện hữu và đã cố gắng tìm cách giải quyết các các vấn đề này. Nhưng rất khó khăn để có thể tìm ra giải pháp, bởi các giao dịch trên mạng luôn có khả năng bị can thiệp, rò rỉ do sự tham gia của bên thứ ba, bao gồm cả tội phạm mạng. Năm 1998, chuyên gia kinh tế đồng thời là nhà khoa học máy tính Nick Szabo, người Mỹ, đã viết một bài báo ngắn về ý tưởng tạo ra một giao thức công nghệ mà người sử dụng internet có thể tin tưởng khi giao dịch, kinh doanh trên internet. Sau đó, năm 2008, Satoshi Nakamoto, người được biết đến là cha đẻ của Bitcoin, đã vạch ra một giao thức mới cho hệ thống tiền mặt điện tử ngang hàng (peer-to-peer) sử dụng các dạng mã hóa để tạo ra đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin dựa trên nền tảng chuỗi (chain) khối (block). Dựa trên cách thức này, blockchain chính thức ra đời.
1.3. Các đặc tính cơ bản của blockchain
o Tính phi tập trung (Decentralized): Blockchain hoạt động độc lập theo các thuật toán máy tính, hoàn toàn không bị bất kỳ một tổ chức nào nắm quyền kiểm soát. Chính vì vậy blockchain tránh được rủi ro từ bên thứ 3.
o Tính không thể thay đổi: Một khi dữ liệu đã được ghi vào trong block của blockchain thì nó không thể bị thay đổi hoặc sửa chữa.
o Tính minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi được đường đi của dữ liệu trong blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.

o Tính bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối. Chỉ có người nắm giữ private key mới có quyền truy xuất dữ liệu đó.

1.4. Phân biệt các Blockchain

Hệ thống công nghệ Blockchain chia thành 3 loại chính:
– Public: Ai cũng có quyền đọc, ghi dữ liệu. Quá trình xác thực giao dịch đòi hỏi phải có hàng nghìn hay hàng vạn nút tham gia. Do đó tấn công vào hệ thống Blockchain này là điều không thể vì chi phi khá cao.
– Private: Người dùng chỉ có quyền đọc dữ liệu. Tổ chức này có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Vì đây là một Private Blockchain, cho nên thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị tham gia xác thực giao dịch.
– Permissioned: Một dạng của private nhưng bổ sung thêm một số tính năng nhất định.
Phiên bản của công nghệ Blockchain:
– Bản 1.0 – Tiền tệ, thanh toán: đây là phiên bản đầu tiên của công nghệ blockchain gồm chuyển đổi tiền tệ, lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số.
– Bản 2.0 – Hợp đồng thông minh: Với hợp đồng thông minh (hay Smart Contract), giao dịch trên Blockchain sẽ được giảm mạnh các chi phí xác thực, chống gian lận, vận hành, đồng thời tăng tính minh bạch.
– Bản 3.0 – Ứng dụng phi tập trung : ứng dụng phi tập trung (DApp – Decentralized Application) là các phần mềm được triển khai độc lập, không nằm trên một máy chủ duy nhất mà lưu trữ một cách phân tán trên các kho lưu trữ phi tập trung
– Bản 4.0 – Ứng dụng vào thực tiễn: Đưa Blockchain đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật và tất cá các lĩnh vực phù hợp trong cuộc sống.
2. Khả năng ứng dụng Blockchain trong công tác quy hoạch
2.1. Các ứng dụng blockchain trong các ngành hiện nay
Nếu như cách đây 5-7 năm về trước, việc ứng dụng blockchain còn là 1 điều tranh cãi, thì đến giai đoạn hiện nay việc ứng dụng blockchain vào cuộc sống đã bắt đầu được áp dụng nhiều hơn. Tại Việt Nam, về cơ sở pháp lý thì chính phủ đã có chủ trương ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong đó có công nghệ chuỗi khối (Blockchain) tại Quyết định số2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Với những đặc tính của Blockchain thì công nghệ này được kì vọng sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau:
– Ứng dụng Blockchain trong Ngân hàng & thanh toán.
Đây là một trong những ứng đầu tiên và phổ biển nhất hiện nay. Có rất nhiều dự án cả chính thức và không chính thức nghiên cứu và ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực ngân hàng và thanh toán xuyên biên giới. Trong lĩnh vực này, blockchain có thể giúp bỏ qua khâu trung gian, giúp tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh các giao dịch. Và ngoài ra công nghệ này còn được kì vọng giúp cho người dân ở các quốc gia không có điều kiện tiếp cận với hệ thống ngân hàng cũng có
thể giao dịch, chuyển tiền cho nhau.
– Ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực y tế
Trong lĩnh vực y tế, blockchain được áp dụng để quản lý tài sản và lưu trữ thông tin về sức khỏe người bệnh, quản lý kho, đơn đặt hàng, thanh toán cho các
thiết bị y tế cũng như dược phẩm… Các thông tin, số liệu nhạy cảm sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ và chính xác hơn.
– Ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục, khi áp dụng blockchain thì tất cả dữ liệu về điểm số, quá trình học tập sẽ được lưu trữ một cách đáng tin cậy, không thể làm giả và thay đổi. Tránh được các trường hợp các ứng viên gian lận trong quá trình xin cấp học bổng, thăng chức; khai gian trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỷ luật. Trên thực tế thì bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam đã chính thức vận hành vận hành hệ thống tra cứu thông tin văn bằng chứng chỉ trên chuỗi khối được bàn giao từ 30/06/2021.

– Các lĩnh vực khác
Ngoài ra, blockchain còn được triển khai và áp dựng trên nhiều lĩnh vực khác như: vận tải và logistic, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, thuế và bảo hiểm, gaming, tiện ích công cộng.v.v.
2.2. Nhìn lại sự phát triển công tác quy hoạch đô thị gần đây.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực lý thuyết quy hoạch đô thị nói chung và công tác quy hoạch đô thị (lập, triển khai thực hiện, quản lý sau quy hoạch) đã
có nhiều sự phát triển nhất định.
Mặc dù, các lý thuyết lõi của quy hoạch ít có sự thay đổi, ít có sự xuất hiện các nhà tư tưởng và triết lý lớn giống như các giai đoạn trước đây. Nhưng đối với
các công tác quy hoạch thì ghi nhận nhiều sự phát triển trong đó phải kế đến việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn… Điển hình là sự phát triển và ứng dụng các đô thị thông minh (ĐTTM).
Tại Việt Nam chủ trương phát triển đô thị thông minh được xem là một chủ trương lớn và đúng đắn, hợp xu hướng. Dựa trên chủ trương này, nhiều địa phương ở Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển ĐTTM, điển hình như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng. Đến nay, cả nước có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển ĐTTM.
Tuy nhiên, ngoài những điều tích cực trên, thì vẫn còn có một số điều chưa tốt ở góc độ những người làm công tác quy hoạch đô thị. Chẳng hạn như, ĐTTM
hiện tại cơ bản thuần túy chỉ là việc áp dụng các thiết bị công nghệ, các sensor vào việc giám sát đô thị mà không có sự phát triển lý thuyết cốt lõi về quy hoạch để đô thị có thể thông minh hơn trước đây. Các nhà quy hoạch, đa phần là nghe và áp dụng theo các công nghệ mới mà chưa chủ động đề xuất các yêu cầu công nghệ phải đạt được, ra đề bài về đô thị cho giới công nghệ giải quyết, làm cơ sở để việc lập và quản lý quy hoạch. Hay nói cách khác là các nhà quy hoạch đô thị hiện nay chưa xác định đứng vị thế của mình vào sự đóng góp, phát triển của ĐTTM.

2.3. Khả năng ứng dụng Blockchain trong công tác quy hoạch đô thị
Xác định vị thế:
Lĩnh vực blockchain là lĩnh vực vô cùng mới mẻ nếu như muốn áp dụng vào công tác quy hoạch đô thị nói chung. Nhưng tiềm năng và khá năng ứng dụng của nó là nó rất lớn, cho đến nay việc áp dụng blockchain hiệu quả đến đâu đối với công tác quy hoạch đô thị vẫn là một câu hỏi lớn? Nhưng giống như trào lưu đô thị thông minh, khá năng ứng dụng blockchain vào công tác quy hoạch đô thị đòi hỏi những người làm quy hoạch phái xác định cho mình một vị thế đúng. Để xác định được vị thế đúng này, đòi hỏi người làm quy hoạch phải hiểu một cách rõ ràng và sâu sắc các đặc tính của blockchain (không phải góc độ kĩ thuật mà là góc độ bản chất và đặc điểm blockchain). Từ đó, xem xét công tác nào cần ứng dụng blockchain, công tác nào không cần thiết, ra đề bài, yêu cầu cho các nhà phát triển phần mềm (Dapps), chủ động đón đầu ứng dựng công nghệ, mang lại các kết quả tốt và chính xác hơn, đáng tin cậy hơn cho công tác quy hoạch đô thị.

Các nguyên tắc áp dụng
Chúng ta cần nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và trải nghiệm blockchain trong cuộc sống. Nhưng ít ra, ở giai đoạn này chúng ta cũng có thể xác định được
một vài nguyên tắc cơ bản để có thể áp dụng blockchain vào công tác quy hoạch đô thị. Các nguyên tắc đó có thể là:
– Lĩnh vực hoặc công tác quy hoạch nào cần sự minh bạch?
– Lĩnh vực hoặc công tác quy hoạch nào cần sự tin cậy và chính xác?
– Lĩnh vực hoặc công tác quy hoạch nào cần sự lưu vết để truy lịch sự thay đổi và quá trình phát triển?
Các lĩnh vực có thể áp dụng : Từ những nguyên tác áp dụng đề xuất trên đây, tác giả mạn phép đề xuất 1 số công tác quy hoạch đô thị có thể áp dụng blockchain:
– Công tác lập quy hoạch: Trong công tác lập quy hoạch hiện nay, có quy trình lấy ý kiến cộng đồng và người dân. Nhưng việc này hiện nay, đa phần hình thức và chưa đạt được hiệu quả cao vì độ tin cậy và chính xác của công tác này còn hạn chế. Người được lấy ý kiến không tin tưởng về việc lựa chọn của mình được ghi nhận, được thống kê chính xác. Từ đó dẫn đến việc đóng góp ý kiến không đạt hiệu quả. Nếu công tác điều tra và thu thâp ý kiến này được phát triển trên một Dapps và dữ liệu được ghi nhận trên blockchain “chuẩn” thì sẽ đảm bảo sự tin cậy, chính xác tối đa cho bên tham gia và bên thu thập làm cơ sở lập các đ’ô án quy hoạch.

– Công tác công bố quy hoạch
Công bố quy hoạch là một lĩnh vực rất cần công khai minh bạch và phải đảm bảo ai cũng có thể tiếp cận được. Theo cơ chế cũ hiện nay, việc công bố là công khai nhưng việc tiếp cận dữ liệu này sau đó là rất khó khăn bởi cơ chế lưu trữ tập trung. Cơ chế này bộc lộ rất nhiều yếu kém khi mà thông tin quy hoạch được tiếp cận dễ dàng đối với nhóm này mà khó khăn đối với nhóm khác. Nếu thông tin này được đưa lên blockchain thì chắc chắn quyền tiếp cận này là bình đẳng và minh bạch đối với tất cả mọi người, mọi lúc và mọi nơi.

– Công tác lưu trữ hồ sơ quy hoạch
Chúng ta đã gặp nhiều trường hợp mà các h’ô sơ lưu trữ quy hoạch bị thất lạc, không tìm ra sau nhiều năm dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Dù rằng ngày nay, các số liệu này đã được số hóa nhiều hơn. Nhưng việc số hóa cho đến nay vẫn là cơ chế tập trung 1 server hay 1 trung tâm dữ liệu. Và với cơ chế tập trung này, không điều gì là đảm bảo dữ liệu nguyên vẹn và không bị chỉnh sửa sau nhiều năm và nhiều tác nhân quản lý thay đổi. H’ô sơ quy hoạch nếu được lưu trữ trên blockchain, khi đó cho dù quy hoạch có cập nhật và thay đổi theo thời gian thì mọi dấu vết vẫn còn lưu lại trên đó. Cơ chế này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu mà còn giúp các nhà quy hoạch có thể tra lại lịch sử thay đổi và hỗ trợ tìm ra các giải pháp phù hợp cho hiện tại và tương lai.
Theo thời gian, danh sách có thể áp dụng blockchain cho công tác quy hoạch trên đây có thể ngày một dài ra. Các thử nghiệm và trải nghiệm sẽ còn nhiều
thách thức. Nhưng với các đặc điểm nổi bật và độc đáo của blockchain, hy vọng trong một tương lai không xa, một xã hội minh bạch, bình đẳng, tin cậy, tốt đẹp sẽ được ngày một tiệm cận nhiều hơn nếu như chúng ta am hiểu và biết ứng dụng hợp lý các ưu điểm của công nghệ.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Barabási A-L (2003). How everything is connected to everything else and what it means for business, science, and everyday life. Plume, London
2. Báo Thời Nay (03-2018). Chặng đường khai phá blockchain.https://nhandan.vn/baothoinay-hosotulieu/chang-duong-khai-pha- blockchain- 317776

3. Vietnix (06-2021). Blockchain là gì? Tìm hiểu toàn bộ về Blockchain Technology. https://vietnix.vn/blockchain-la-gi/
4. Coin98.net (07-2021). Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo chính thức triển khai Hệ thống tra cứu văn bằng trên TomoChain. < https://coin98.net/bo-giao-duc-va- dao-tao-chinh-thuc-trien-khai-he-thong-tra-cuu-van-bang-tren-tomochain>

5. Aita Cục Tin Học Hóa (12-2018). Tổng quan ứng dụng của công nghệ blockchain đối với các ngành/nghề. < https://aita.gov.vn/tong-quan-ung-dung- cua-cong- nghe-blockchain-doi-voi-cac-nganhnghe>

6. Tạp chí Con số & Sự kiện của Tổng Cục Thống Kê (06-2021), Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. http://consosukien.vn/phat-trien-do-thi-thong- minh- tai-viet-nam.htm

ThS.KTS. Trương Song Trương
TS.KTS. Phạm Ngọc Tuấn
(Khoa Quy hoạch, ĐH Kiến trúc TP. HCM)

Đánh giá bài viết