Sáng ngày 15/12/2020, diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 tiếp tục diễn ra các hội nghị chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, y tế và tập trung thảo luận về phương thức chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (đang chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước và đóng góp khoảng 45% GDP).
Với nền tảng hạ tầng kết nối Internet, cùng công nghệ 5G mà các doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin đang triển khai, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thực hiện chuyển đổi số như thế nào cho hiệu quả?
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin VINASA cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp đang chuyển đổi số trên cả nước chiếm khoảng 15%. 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên chuyển đổi số vẫn chỉ là sự “khao khát” của khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số còn lại cho rằng chuyển đổi số là việc của các doanh nghiệp “lớn”.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội và thách thức khi chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Việt Long – Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young, Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) – cho biết: Trong hạ tầng liên quan đến kết nối, thì Việt Nam so với một số nước ở khu vực xung quanh như Indonesia và Thái Lan, chúng ta có chỉ số tương đối tốt. 82% là tỷ lệ thuê bao băng rộng trên tổng dân số, đối với cả băng rộng cố định thì chúng ta là 12 %, trong khi đó thì Thái Lan chỉ có 11 % thôi. Đối với cả nền tảng thanh toán thì chỉ số của Việt Nam hơi thấp so với cả một số nước xung quanh. Chúng ta có 22 % là tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số trong năm vừa qua người, trong khi đó, bên Thái Lan là 62 % Indonesia là 34%. Như vậy là sự sẵn sàng của nền tảng công nghệ số cũng tương đối tốt và một số các nhà mạng bắt đầu triển khai 5G. Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là hiện nay đang đến và nếu doanh nghiệp vừa nhỏ mà không tận dụng thời cơ này, thì nguy cơ thách thức ở đây là sẽ tụt lùi.
Rõ ràng, chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, Blockchain… được coi là chìa khóa để tăng cường hiệu quả quản lý, vận hành, tận dụng các cơ hội mới.
Các chuyên gia khẳng định, số hoá là một trong các công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại vượt qua khó khăn. Đây không chỉ là một xu thế mà còn là một lựa chọn bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong chặng đường số hóa, doanh nghiệp cần quan tâm những gì? Đây chính là một trong những nội dung thảo luận nhận được sự quan tâm của nhiều thính giả tại phiên thảo luận Chuyển đổi số cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Diễn đàn Cấp cao CNTT- TT Việt Nam 2020 – Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 (Dxday 2020) diễn ra sáng 15/12 tại Hà Nội.
“Đừng ảo tưởng chuyển đổi số là sẽ hóa thành rồng. Đầu tiên, doanh nghiệp cần phải trả lời câu hỏi “đã thực sự sẵn sàng chuyển đổi số chưa?”, ông Nguyễn Kim Hùng, Phó viện trưởng Viện khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận. Theo vị chuyên gia, doanh nghiệp cần làm rõ sự sẵn sàng của hệ thống trước khi chuyển đổi số, tự rà soát có đủ nền tảng để chuyển đổi số không? Đã có chiến lược kinh doanh số chưa và làm thế nào để cả hệ thống, nhân viên tham gia số hóa.
“Nhân viên của doanh nghiệp phải hiểu, có kỹ năng mới có thể thực hiện số hóa. Số hóa được quy trình rồi mới tìm nền tảng phù hợp, áp dụng và tiến đến quản trị nội bộ. Chuyển đổi số là cần thiết nhưng cách làm cần cụ thể, gần gũi hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – nêu rõ: Hiện nay chúng tôi đã xây dựng nền tảng website, địa chỉ là digital.business.gov.vn. Chúng tôi cũng đang chạy thử nghiệm, vẫn đang tiếp tục hoàn thành và có thể đầu năm 2021 sẽ hoàn thiện nền tảng này. Đây là một kênh thông tin, để chúng tôi chuyển tải những kiến thức về chuyển đổi số, những công cụ cung cấp kiến thức đào tạo, hoạt động của chương trình và nền tảng này là kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số đăng ký tại đây.
Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chuyển đổi số cần sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Đó cũng là lý do trong năm nay – Năm Chuyển đổi số quốc gia 2020, ngày Thứ 6 công nghệ hàng tuần đã giới thiệu những nền tảng công nghệ Make in Việt Nam, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sử dụng với chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Vui lòng theo dõi video về sự kiện Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 TẠI ĐÂY
Tìm hiểu về phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 :/tin-giai-phap/khai-mac-dien-dan-cap-cao-cntt-tt-viet-nam-2020-ngay-chuyen-doi-so-viet-nam-2020.html
- IBOM.OS – công cụ hỗ trợ đánh giá năng suất lao động chính xác
- Cách quản lý kho hiệu quả hiệu quả cho doanh nghiệp
- IBOM 2019 Phần mềm Quản lý Dự án toàn diện
- Mừng sinh nhật ISOFTCO tròn 17 tuổi (3/11/2003 – 3/11/2020)
- Hiến kế giúp nhà thầu thi công xây dựng Việt Nam phát triển mạnh thời chuyển đổi số