Tóm tắt:
Trong thời gian gần đây chuyển đổi số đang là mục tiêu hàng đầu của các bộ, ngành ở Việt Nam để triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ ban hành năm 2020.Bộ Xây dựng đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng, trong đó xác định chuyển đổi số phải được thựchiện một cách tổng thể, toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực; đặc biệt, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số, cần có những giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Khoa Quy hoạch đô thị- nông thôn Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là cái nôi đầu tiên đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch và là cơ sở cung cấp phần lớn nguồn
cán bộ cho công tác quy hoạch xây dựng trong cả nước. Đứng trước các yêu cầu và nhiệm vụ của chuyển đổi số cũng cần có những cải tiến, đổi mới để cung cấp nhân lực cho công tác quy hoạch đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Xâydựng cũng như của Quốc gia.

Bài báo giới thiệu một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực làm chủ công nghệ số trong lĩnh vực quy hoạch đô thị-nông thôn.

Từ khóa: Chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, công tác quy hoạch
Abstract:
Digital transformation is a top goal of ministries and sectors in Vietnam recently to implement the National Digital Transformation Program promulgated by the Government in 2020. The Ministry of Construction has approved the Digital Transformation Plan of the Construction, in which it is determined that digitalisation must be implemented in a comprehensive and synchronous manner in all fields; In particular, human resources are the decisive factor for the success of digitalisation, it is necessary to have comprehensive solutions to develop human resources to meet the requirements of Digital Plan.
The Faculty of Urban-Rural Planning- Hanoi Architectural University- is the base that provides most of the human resources for urban planning throughout
the country. Faced with the requirements and tasks of digitalisation, improvements and innovations are also needed to provide human resources for urban and rural planning to meet the digital transformation tasks of the Construction Field for the whole country.
The article introduces some solutions to develop human resources mastering digital technology in the field of urban-rural planning.

Keywords: Digital transformation, human resource training, urban and rural planning

1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam chú trọng chuyển đổi số trong toàn bộ các ngành, các cấp để phát triển kinh tế hiệu quả, tiếp tục tăng trưởng
và thịnh vượng. Ngày 3/6/2020 Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đã xác định nhiệm vụ phải tập trung vào ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, kinh tế – xã hội số ở Việt Nam, góp phần đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành công, hoạt động sản xuất kinh doanh và nếp sống, cách làm việc của doanh nghiệp và người Việt Nam.

Để hưởng ứng và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký và ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số
ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 với 05 quan điểm, 06 mục tiêu, trong đó xác định “….nguồn nhân lực là yếu tố quyết định
thành công của chuyển đổi số; Thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số”.
Là một cơ sở đào tạo hàng đầu nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch của Bộ Xây dựng. Khoa quy hoạch đô thị- nông thôn, trường Đại học Kiến trúc Hà
Nội cũng phải kịp thời cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực quy hoạch.

2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch
Hiện nay Khoa Quy hoạch có 3 chuyên ngành đào tạo là Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế đô thị, Thời gian đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch là 5 năm với tổng số tín chỉ (TC) của mỗi chuyên ngành khoảng 160 tín chỉ. Trong đó tỷ lệ các khối kiến thức như sau :
–  Khối kiến thức đại cương: 33 TC chiếm 21%
–  Kiến thức cơ sở ngành: 50 TC chiếm 31 %
–  Kiến thức ngành: 40 TC chiếm 25 %
–  Kiến thức chuyên ngành: 25TC chiếm 15 %
–  Đồ án tốt nghiệp: 12TC chiếm 8%

Trong 5 năm học sinh viên đã được tiếp cận với công nghệ thông tin, từ những kiến thức cơ bản đến tin học ứng dụng. Nhà trường luôn tạo điều kiện để nâng cao trình độ tin học, làm chủ các kiến thức tiên tiến về khoa học kỹ thuật hiên đại cho giáo viên và sinh viên, giảng dạy trực tuyến, số hóa các dịch vụ công trực tuyến, giảm giấy tờ và đi lại cho sinh viên.

Trong chương trình đào tạo có 2 môn học chuyên ngành là: Tin học ứng dụng (2TC); Bản đồ và hệ thống thông tin địa lý (2 TC) trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng làm chủ công nghệ số trong học tập chuyên ngành quy hoạch vùng và đô thị. Ngoài ra còn học phần Kỹ năng viết và thuyết trình giúp cho các sinh viên hiểu và trình bày được các kết quả nghiên cứu thông qua các phần mềm ứng dụng.
Khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn đã xây dựng các ngân hàng đề thi, ngân hàng cơ sở dữ liệu hỗ trợ sinh viên khi lựa chọn đề tài tốt nghiệp. Tuy nhiên do khối lượng kiến thức chuyên ngành quá lớn trong khi thời gian đào tạo lại hạn chế nên trình độ sinh viên khi ra trường vẫn chưa đáp ứng ngay được công tác quy hoạch tại các đơn vị tư vấn, quản lý.

Thực trạng công tác nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số cũng như việc lồng ghép chuyển đổi số vào giảng dạy hiện nay còn nhiều bất cập:
Thứ nhất, về nhận thức đối với chuyển đổi số là còn chưa đầy đủ. Thực trạng này là tồn tại trong cả đội ngũ giảng dạy, từ đó tác động trực tiếp đến người học. Những hiểu biết nhận thức về chuyển đổi số không đồng nhất và toàn diện. Do đó, trong công tác giảng dạy, việc làm nổi bật những nội dung tổng quan, tiếp cận khái niệm, nội dung cơ bản của chuyển đổi số cần phải được đặc biệt chú trọng, quan tâm.
Thứ hai, việc đánh giá mức quan trọng, những tác động của chuyển đổi số đối với chuyên ngành quy hoạch là còn thiếu. Trong bối cảnh hoạt động quy hoạch của Việt Nam, phần lớn sinh viên, học viên khi ra trường phải “đào tạo lại”, bổ sung thêm những kiến thức về chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp lập Quy hoạch
Thứ ba, còn thiếu đội ngũ những chuyên gia về chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo quy hoạch. Hiện nay các trường đào tạo Kiến trúc- Quy hoạch còn
thiếu các giáo viên vừa am hiểu chuyên ngành, vừa làm chủ công nghệ số.

Chuyển đổi số đã bắt đầu được áp dụng theo xu hướng chung của xã hội nhưng tương đối dè dặt, chưa được đầu tư bài bản và đồng bộ nên kết quả còn khiêm tốn, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, khả năng tiếp cận với hạ tầng số của giảng viên và sinh viên bị hạn chế. Chưa xác định được mục tiêu, kế hoạch và các nội dung cần ưu tiên chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch.

 

3. Yêu cầu chuyển đổi số trong công tác quy hoạch
Chuyển đổi số được định nghĩa là “một quá trình nhằm mục đích cải thiện một thực thể bằng cách tạo ra những thay đổi đáng kể đối với các thuộc tính của nó thông qua sự kết hợp của công nghệ thông tin, máy tính, truyền thông và kết nối” (Vial, Gregory, 2019). Ngày nay, chuyển đổi số là cần thiết đối với tất cả các tổ chức bất kế quy mô và ngành nghề. Chuyển đổi số mô tả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu quy trình hiện tại của họ và tăng trải nghiệm của khách hàng nhằm duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong nền kinh tế mới lấy khách hàng làm trung tâm. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm mới, hoặc chuyển sang sử dụng điện toán đám mây, mà cốt lõi của chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất, đòi hỏi cả về chuyên môn kết hợp với tất cả các yếu tố liên quan tới tổ chức, doanh nghiệp.

Mặc dù chuyển đổi số được thúc đẩy bởi các thay đổi từ kì vọng của khách hàng trong bối cảnh kinh doanh có tính kết nối cao với các hiểu biết số, việc thực hiện chuyển đổi đơn thuần bằng việc thay đổi công nghệ là không đủ. Chuyển đổi số đòi hỏi kết hợp kinh doanh, sản xuất với yếu tố chuyên môn và hiểu biết số một cách thích hợp để đảm bảo tính hiệu quả của công việc.

Để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã ưu tiên 6 nhóm lĩnh vực là: i) Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), số hóa các văn bản, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá… phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý về xây dựng ở địa phương; ii) Xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; iii) Các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định, thi công xây lắp, nghiệm thu công trình; iv) Sản xuất vật liệu xây dựng; v) Phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; vi) Quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Xây dựng bao gồm 6 mục tiêu rất cụ thể, đó là: 1. Hoàn thiện thể chế để phục vụ chuyển đổi số của Bộ Xây dựng ; 2. Hoàn thành việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử của Bộ Xây dựng, hướng tới chính phủ số vào năm 2025 ; 3. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu số
phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và các địa phương (như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; đồ án quy hoạch; cá nhân và tổ chức được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; đề tài dự án sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khoa học công nghệ) ; 4. Phối hợp cùng các địa phương (trọng tâm là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển đổi số ở các lĩnh vực cụ thể như: quản lý quy hoạch xây dựng; quản lý cấp phép xây dựng; quản lý hoạt động xây dựng ; 5. Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi số ở một số lĩnh vực cụ thể như: ứng dụng GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng; ứng dụng BIM trong hoạt động đầu tư xây dựng; ứng dụng công nghệ số (DT), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong quản lý vận hành tòa nhà, hệ thống hạ tầng đô thị, doanh nghiệp xây dựng, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ; 6. Phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Như vậy phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật là 1 trong 06 lĩnh vực được Bộ xây dựng ưu tiên trong kế hoạch chuyển đổi số, cụ thể là ứng
dụng GIS, BIM trong quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Căn cứ trên các yêu cầu này, Khoa Quy hoạch trường đại học kiến Hà Nội rà soát lại và đề xuất các giải pháp cải tiến chương trình đào tạo để bổ sung các nội dung cần thiết.

4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình liên tục và lâu dài, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, ứng dụng, rút kinh nghiệm và không ngừng hoàn thiện. Cần xác định mục tiêu, nguyên tắc cơ bản để có thể áp dụng chuyển đổi số vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quy hoạch, đó là phải trả lời được câu hỏi: Lĩnh vực hoặc công tác quy hoạch nào cần áp dụng chuyển đổi số? Chuyển đổi số được áp dụng như thế nào trong công tác quy hoạch? Trên cơ sở hiểu biết về chuyển đổi số trong công tác quy hoạch mới có thể đề xuất các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác đó. Có thể thấy chuyển đổi số được áp dụng trong các công việc cần sự minh bạch, tin cậy, chính xác; cần sự lưu vết để truy xét lịch sử thay đổi và quá trình
phát triển của công tác quy hoạch. Chuyển đổi số được áp dụng ngay từ khi bắt đầu lập đồ án quy hoạch đến lúc thực hiện quy hoạch. Đặc biệt trong các bước lấy ý kiến cộng đồng, lưu trữ hồ sơ- dữ liệu, công khai thông tin quy hoạch…
Với đặc điểm thực trạng công tác đào tạo và các yêu cầu của chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt gồm có 05 nhiệm vụ như sau:

1. Chuyển đổi nhận thức
2. Xây dựng các quy định và kế hoạch thực hiện
3. Xây dựng và phát triển hạ tầng số
4. Phát triển cơ sở dữ liệu
5. Phát triển nguồn nhân lực
Các giải pháp thực hiện trước mắt gồm có
• Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số, tăng cường tương tác với sinh viên, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực quy hoạch.

Sử dụng các kênh thông tin truyền thông (Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, …) để nâng cao hiệu quả cho việc tuyên truyền đến cán bộ, giảng viên, quảng bá và thông tin kịp thời về quá trình, khả năng chuyển đổi số của Khoa Quy hoạch với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch.
Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về chuyển đổi số, nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, Chính phủ số cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

• Xây dựng các quy định và kế hoạch thực hiện
Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số phù hợp với đặc thù của Khoa Quy hoạch Hoàn thiện các quy định, quy trình xử lý văn bản hành chính, xử lý công việc đào tạo, quản lý giáo viên, sinh viên, xử lý dịch vụ công trực tuyến phục vụ, vận hành khoa đối với đội ngũ Thư ký, Trợ lý và Cố vấn học tâp
• Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên
– Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên
• Cải tiến nội dung, chương trình đào tạo
Bổ sung, lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào các học phần lý thuyết và đồ án
• Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin tham gia phối hợp trong giảng dạy và triển khai dịch vụ số của Khoa.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong giảng dạy và học tập, hưởng ứng các hoạt động triển khai quản trị số.
• Phát triển cơ sở dữ liệu
Bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu: ngân hàng đề tài đồ án môn học, đề tài các đồ án tốt nghiệp, đồ án quy hoạch tham khảo, ngân hàng đề thi, thi trắc nghiệm

Xây dựng cơ sở dữ liệu danh sách sinh viên, cựu sinh viên; danh sách các giảng viên, các nhà khoa học

5. Kết luận
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của Khoa Quy hoạch. Trong xu thế của cách mạng 4.0, chuyển đổi số ngày
nay được Chính phú coi trọng hơn bao giờ hết vì nếu không làm chủ kỹ thuật số nền kinh tế của cả nước sẽ tụt hậu. Kỹ thuật số không ngừng phát triển, hoàn thiện năm sau phức tạp hơn năm trước với làn sóng công nghệ và khả năng cạnh tranh cao. Những tiến bộ trong một loạt công nghệ như internet vạn vật, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và 5G đã mở ra những con đường mới cho công tác quy hoạch nói riêng và ngành xây dựng nói chung.

Đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch cần nắm bắt nhu cầu thực tiễn cũng như yêu cầu, nguyên tắc chuyển đổi số để cái tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng
lực đội ngũ giảng viên, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho công cuộc quy hoạch xây dựng đất nước trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Ngọc Anh. Chuyển đổi số ngành Xây dựng: Cơ hội và thách thức. Tạp chí Kiến trúc. Hà Nội, 2021.
2. Lê Duy Bình, Trần Thị Phương. Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam. Tài liệu chuẩn bị cho chuỗi Hội nghị bàn tròn về EVFTA, EVIPA và Hồi phục kinh tế sau COVID 19 tại Việt Nam. Tư vấn GOPA và Economica Vietnam. 2020.
3. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030”;
4. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
5. Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”;
6. Quyết định sô 1557/QĐ-BXD ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2022.
7. Vial, Gregory. Understanding digital transformation: A review and a research agenda. The Journal of Strategic Information Systems. 28.10.1016/j.jsis.2019.

PGS.TS. KTS. Lương Tú Quyên

Đánh giá bài viết